10 mẹo vặt dành cho người đi phượt hè này
Dưới đây là 10 mẹo vặt hữu ích nhất dành cho những chuyến 'đi bụi' đầu tiên dành cho bạn trong mùa hè này.
1. Thông báo cho gia đình, người thân về chuyến đi và bạn đồng hànhĐiều này là việc làm đầu tiên và cần thiết nhất đối với người lần đầu đi phượt. Đi không báo ai, cộng thêm sự cố khiến hành trình dài hơn dự định, sẽ khởi đầu cho những rắc rối mà bạn vẫn thường thấy trên mạng xã hội và nghiêm trọng hơn là báo chí.
2. Tắt mật khẩu của điện thoại
Nếu trong trường hợp khẩn cấp và người khác cần liên lạc với gia đình bạn mà bạn vẫn để mật khẩu thì thực sự rắc rối. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng smartphone thì nên có thêm một điện thoại bình thường và pin khỏe. Mục đích vẫn là đề phòng sự cố và đảm bảo người khác gọi điện ngay cho gia đình bạn trong trường hợp bắt buộc.
3. Tìm hiểu kỹ về điểm đến
Cho dù là du lịch bụi hay du lịch theo tour thì bạn cũng cần phải nắm rõ các thông tin về địa điểm sẽ đến. Mạng Internet và các diễn đàn trên mạng xã hội sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích không ngờ. Chẳng hạn: một số địa điểm đặc biệt sẽ yêu cầu giấy phép như núi Ngọc Linh ở Kontum, bị phát hiện leo chui Fansipan, bạn muốn xuống núi an toàn phải đóng phạt cho đơn vị quản lý.
Tìm hiểu kỹ về điểm đến - Ảnh minh họa |
4. Thuốc xịt chống côn trùng
Với khu vực ẩm có vắt, ruồi vàng, ruồi trâu các loại… bạn mang theo thuốc D.E.P (5.000 đồng/lọ), Remos dạng xịt (20.000 đồng/chai), vừa rẻ vừa hiệu quả. Xịt/bôi lên vớ, quần áo, tay chân, cổ, hông, các chỗ hở mà côn trùng có thể bám lên và hút máu bạn. Ngoài ra bạn cũng có thể bôi thêm các loại thuốc chống côn trùng ngoài da.
5. Quần chip loại dùng 1 lần
Thời tiết xấu, ngồi xe thời gian dài và điều kiện thay rửa không tốt là tất cả những lý do khiến bạn sẽ phải mặc loại quần chip dùng 1 lần thay cho loại bình thường. Chip vải bình thường cũng góp phần gây ngứa bẹn và bí "cô bé/cậu bé" của bạn.
6. Túi nilon ống
Túi nilon này dùng để thay thế được cho bạt tăng, áo mưa, đệm cách nhiệt, lều… Đặc biệt ở tính nhẹ, gọn và tái sử dụng nhiều lần. Giá tầm 10 – 15k 1m ngang, chọn khổ 2m x 1.6m là ổn.
7. Bao cao su, băng vệ sinh, túi zipper, hộp cứu thương mini
Công dụng của bao cao su thay thế găng tay y tế, băng ép garô khi thành viên trong đoàn bị rắn cắn. Băng vệ sinh lót đế giày, thay thế urgo nếu vết thương hở và chảy máu nghiêm trọng và lót trong bánh xe nếu cán phải đá nhọn mà không tìm được tiệm vá xe. Túi zipper đựng điện thoại, đồ điện tử, quần áo khô - dơ khi trời mưa, thời tiết ẩm thấp.
8. Đậu xanh nguyên hạt/bột đậu xanh nguyên chất
Đậu xanh có tác dụng trị ngộ độc thức ăn, giải độc nhẹ. Có khá nhiều cách sử dụng nên bạn có thể tìm hiểu thêm và cụ thể trong từng trường hợp.
9. Tiền và giấy tờ tùy thân
Chỉ mang theo CMND, bằng lái xe (nếu chạy xe) và thẻ ATM. Thẻ sinh viên, thẻ thư viện... các loại bỏ hết ở nhà. Tiền nên đổi mệnh giá nhỏ 2.000 đồng, 5.000 đồng, 20.000 đồng để nếu trường hợp bị cướp giật hay móc túi thì cũng không sao. Tiền mệnh giá lớn thì bạn có thể để ở chỗ kín đáo, chẳng hạn như cho vào túi zip và để trong quần chip.
10. Một số vật dụng đi rừng
Dao đi rừng, hương (nhang), bật lửa, rượu (chai nhựa 330ml). Cái này dành riêng cho chuyến leo núi, rừng tương đối hoang sơ vắng người.
Theo Gia Đình VN
Đăng nhận xét