GS Trương Nguyện Thành: 'Không nên đặc cách cho tôi!'
Ngoài vài lời trên Facebook, trong 'bão dư luận' qua, GS Trương Nguyện Thành không nêu bất kỳ ý kiến gì. Sáng 9.5, ông có cuộc trao đổi chính thức với Báo Thanh Niên về chuyện không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.
“Mọi người đã hiểu lầm tôi” !
Ngoài lời tạm chia tay Trường ĐH Hoa Sen trên Facebook cá nhân, hầu như giáo sư chưa có chia sẻ gì khác trong những ngày này. Tâm trạng của ông thời gian vừa qua như thế nào?
Tâm trạng tôi ổn, bình thường, không buồn vui, thất vọng gì cả. Có lẽ dư luận hiểu lầm chia sẻ về Mỹ của tôi trên Facebook cá nhân là phản ứng qua kết luận của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM. Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng Bộ, Sở làm đúng theo luật Giáo dục ĐH của VN. Chuyện đó tôi hoàn toàn đồng ý và chấp nhận. “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Đó là chuyện bình thường.
Chẳng qua ở thời điểm này, đây là cơ hội cho tôi tạm dừng về thăm gia đình, dừng lại suy nghĩ bài học mình đã làm, kinh nghiệm mình đã học hỏi những năm qua. Một phần nữa tôi chưa có thỏa thuận gì với Trường ĐH Hoa Sen trong tương lai. Nên tôi cho rằng đây là thời điểm tạm dừng tốt nhất của mình. Không có gì lớn lao, không phải phản ứng thất vọng hay là điều gì. Hoàn toàn không phải!
GS Trương Nguyện Thành trao đổi với PV báo Thanh Niên - Ảnh: Yến Trinh |
Nhiều người cho rằng việc ông dừng lại như một sự bỏ cuộc. Trong khi ông luôn truyền đạt ý tưởng cho sinh viên là cần phải kiên trì con đường của mình?
Đúng là tôi khuyên các bạn trẻ khi tìm thấy đam mê, hãy theo đuổi dù thử thách hay khó khăn cách mấy. Thật sự quyết định quay trở lại Mỹ của tôi không phải là bỏ cuộc. Chỉ là tôi cần thời gian nghỉ để học hỏi các bài học kinh nghiệm.
Như tôi nói, con sông không bao giờ chảy thẳng mà uốn khúc. Có lúc chúng ta còn cảm tưởng nó chảy ngược chiều. Giống như khi bạn gặp thử thách, đôi khi phải dừng lại suy nghĩ chứ không phải đập đầu vào tường để khi có cơ hội tốt hơn thì mình sẽ làm như thế nào. Tôi nói rất rõ, tạm gác là nghỉ xả hơi đã. Trước thử thách nào cũng vậy.
Hiệu phó thì không cống hiến được !
Ngoài những ý kiến ủng hộ ông, cũng có những ý kiến trái chiều. Chẳng hạn, làm GS giỏi chưa chắc là hiệu trưởng giỏi. Ông nghĩ như thế nào?
Tôi làm chuyên môn giỏi, nghiên cứu giỏi, làm khoa học giỏi nhưng có thể là một nhà quản lý tồi. Điều đó hoàn toàn đúng. Thời gian qua, khi tôi làm phó hiệu trưởng điều hành, tôi đã ở vị trí lãnh đạo, quản lý hơn một năm và làm được rất nhiều chuyện. Những việc tôi làm xong là quốc tế hóa cơ cấu tổ chức của Trường ĐH Hoa Sen, điều hành hoạt động tuyển sinh từ một năm trước thất bại, có nhiều thử thách trở nên thành công, đạt chỉ tiêu. Hay lên khung quốc tế hóa chương trình đào tạo trong khung pháp lý Bộ GD-ĐT VN cho phép. Tất cả những điều đó khiến HĐQT thấy được tôi có khả năng lãnh đạo, quản lý tốt và nhân viên, giảng viên cũng thích làm việc với tôi. Sinh viên cũng thường cho rằng chưa thấy lãnh đạo gặp sinh viên thoải mái và tự nhiên để chia sẻ. Ngoài vấn đề chuyên môn, điều đó chứng minh tôi có đủ khả năng quản lý và điều hành một trường ĐH.
Cũng có ý kiến nếu ai đó muốn cống hiến thì làm hiệu phó cũng được hay nhất thiết phải làm hiệu trưởng?
Câu này tôi nghe rất nhiều. Muốn cống hiến, làm việc cho VN có rất nhiều cách. Không hẳn nhiên làm hiệu trưởng. Nhưng qua một năm làm việc ở cương vị Hiệu phó Trường ĐH Hoa Sen, hiểu hết tất cả hoạt động, ngõ ngách, tôi cho rằng cái quan trọng để đưa trường ĐH phát triển lên là phương diện quản trị. Mà muốn thay đổi quản trị, chỉ có hiệu trưởng mới có thể thay đổi phong cách quản trị, mô hình hoạt động, quy trình hành chính… Chỉ hiệu trưởng mới ra được quyết định thôi, hiệu phó không thể làm được.
Những đóng góp đó mới là thiết thực và giá trị. Còn giúp một vài nhóm nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học, tư vấn khởi nghiệp… tôi vẫn có thể đóng góp được. Nhưng thời gian của tôi còn lại không còn nhiều. Tôi lớn tuổi rồi! Có người bạn nói tôi đá banh ở phút 80 rồi. Cho nên những kinh nghiệm của tôi có được sau hơn một năm làm phó hiệu trưởng là làm sao thay đổi được quản trị ĐH, thay đổi môi trường giảng dạy, học tập cho sinh viên. Làm được như thế sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nhiều sinh viên, trong đó có cả tương lai của nhiều giảng viên trẻ, nhân viên nữa.
Tôi nói rõ với HĐQT Trường ĐH Hoa Sen, quyết định tôi về VN là để đóng góp cho giáo dục ĐH VN. Trường ĐH Hoa Sen là một trường ĐH để giúp tôi triển khai những điều tôi mong muốn. Vì vậy, nếu tôi không ở được vị trí triển khai những điều tôi mong muốn một cách hiệu quả thì tôi tạm gác lại, suy ngẫm bài học, chờ cơ hội khác ở nơi tôi cảm thấy có thể làm hiệu quả.
Nếu cơ quan quản lý có đặc cách cho ông làm hiệu trưởng thì ông sẽ chọn lựa như thế nào?
Nếu có đặc cách hoặc quyết định đặc thù nào đó, tôi nghĩ là không nên. Bản thân tôi không phải là một người đặc biệt nên tôi không muốn có đối xử đặc biệt. Tôi không muốn mình trở thành tiền đề không hay. Giống như gây bão dư luận, áp lực dư luận để Chính phủ có đặc cách. Như vậy thì luật pháp để làm gì?
Đây là cơ hội để nhìn lại, duyệt xét lại luật để hoàn chỉnh. Tôi thấy Bộ GD-ĐT có tiếng nói rất rõ về chuyện này. Hướng giải quyết cũng hoàn toàn hợp lý. Để còn trao đổi, phản biện, đi hết quy trình ra thành luật.
Cái tôi quan trọng là hãy suy nghĩ để khuyến khích tất cả trí thức Việt kiều. Không chỉ một mình ông Trương Nguyện Thành mà còn nhiều người nữa.
Cơ hội điều chỉnh để khuyến khích trí thức Việt kiều đóng góp
Lúc có kết quả này tôi đang ở Mỹ. Nhưng tôi cũng đoán chừng trước rồi. Vì tôi đã có kinh nghiệm 10 năm làm ở Viện Khoa học - Công nghệ tính toán. Tôi biết cơ chế nhà nước có những nguyên tắc riêng. Muốn quyết định vấn đề này phải trải qua những tranh cãi, thảo luận rất lâu chứ không đơn giản.
Tôi cũng không phiền và thất vọng. Bộ GD-ĐT đưa ra quy định là làm đúng nguyên tắc của luật Giáo dục ĐH. Nhưng đây là một cơ hội để xã hội quan tâm luật như vậy có hơi cứng không. Cũng là cơ hội để Bộ, lãnh đạo VN ngồi lại và suy nghĩ nên điều chỉnh thế nào để khuyến khích trí thức Việt kiều về VN đóng góp. Còn luật đặt ra để ngăn ngừa, giảm thiểu tiêu cực. Việc ngăn ngừa đó có khả năng cản trở những trường hợp mới hay không thì rất bình thường, đã xảy ra ở rất nhiều nước, không chỉ ở VN đâu.
Nhưng điều chỉnh cũng cần một thời gian, không thể có chuyện ngày hôm nay điều chỉnh để ngày mai áp dụng ngay. Luật pháp của một quốc gia không đơn giản, phải thông qua quy trình, phản biện, xét duyệt… Tôi hoàn toàn hiểu. Hãy để lãnh đạo VN xem xét, điều chỉnh. Tôi thấy Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng là dự thảo luật giáo dục ĐH mới sẽ có những điều chỉnh cho điều 20, như trường hợp tôi đang gặp phải. Như vậy là tốt, đi đúng hướng rồi!
Lúc có kết quả này tôi đang ở Mỹ. Nhưng tôi cũng đoán chừng trước rồi. Vì tôi đã có kinh nghiệm 10 năm làm ở Viện Khoa học - Công nghệ tính toán. Tôi biết cơ chế nhà nước có những nguyên tắc riêng. Muốn quyết định vấn đề này phải trải qua những tranh cãi, thảo luận rất lâu chứ không đơn giản.
Tôi cũng không phiền và thất vọng. Bộ GD-ĐT đưa ra quy định là làm đúng nguyên tắc của luật Giáo dục ĐH. Nhưng đây là một cơ hội để xã hội quan tâm luật như vậy có hơi cứng không. Cũng là cơ hội để Bộ, lãnh đạo VN ngồi lại và suy nghĩ nên điều chỉnh thế nào để khuyến khích trí thức Việt kiều về VN đóng góp. Còn luật đặt ra để ngăn ngừa, giảm thiểu tiêu cực. Việc ngăn ngừa đó có khả năng cản trở những trường hợp mới hay không thì rất bình thường, đã xảy ra ở rất nhiều nước, không chỉ ở VN đâu.
Nhưng điều chỉnh cũng cần một thời gian, không thể có chuyện ngày hôm nay điều chỉnh để ngày mai áp dụng ngay. Luật pháp của một quốc gia không đơn giản, phải thông qua quy trình, phản biện, xét duyệt… Tôi hoàn toàn hiểu. Hãy để lãnh đạo VN xem xét, điều chỉnh. Tôi thấy Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng là dự thảo luật giáo dục ĐH mới sẽ có những điều chỉnh cho điều 20, như trường hợp tôi đang gặp phải. Như vậy là tốt, đi đúng hướng rồi!
Theo Thanh Niên
Đăng nhận xét