Hai bạn trẻ khởi nghiệp với bột rau từ nguyên liệu sạch
Đảm bảo sạch và không dùng thuốc diệt cỏ, những cánh đồng rau má xanh mướt thế này phải dùng phương pháp nhổ cỏ thủ công - Ảnh: Q.L. |
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau má đang vươn mình xanh ngắt trong nắng sớm, Nguyễn Thị Kông Trà khoe mất hai năm để có được những thứ như hiện tại. Đó vừa là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào nhưng cũng làm mẫu để các bạn dần thay đổi thói quen canh tác của bà con nông dân: không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ...
"Cắm" nhà, đất để khởi nghiệp
Cùng mê nông sản, cùng ao ước tạo ra điều gì đó khác biệt cho nông sản Việt, và một hội thảo nông nghiệp cả hai cùng tình cờ dự đã "se duyên" cho Nguyễn Hồng Bắc và Nguyễn Thị Kông Trà.
Bắc khi ấy đang nghĩ liệu có còn cách nào làm trà xanh khác biệt hơn "công nghệ matcha" của Nhật. Còn Trà cũng muốn thử sức trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Nguyễn Thị Kông Trà thao tác trong công đoạn nghiền thành bột các loại rau tại xưởng sản xuất ở Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: Q.L. |
Họ toàn dân ngoại đạo với nông nghiệp. Bắc tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, còn Trà là cử nhân kế toán - tài chính. Họ tìm thầy thọ giáo. Những chuyên đề về nông sản, vi chất, khoáng chất... ở Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi) như bài học "vỡ lòng" giúp các bạn mở cánh cửa vào thế giới nông sản. Họ nung nấu con đường khởi nghiệp với nông sản sạch.
Hồng Bắc kể: "120 triệu đồng tích lũy những năm làm cơ khí được dùng làm vốn ban đầu kích hoạt giấc mơ khởi nghiệp". Bắc chọn rau má, sẽ làm bột rau má chứ không phải trà xanh vì biết khó lòng theo nổi "công nghệ matcha" bên Nhật.
Tìm về vùng chuyên canh rau má ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), Bắc ăn dầm nằm dề suốt cả tháng trời dưới đó, còn Trà chạy đi về giữa Tiền Giang - Sài Gòn như con thoi.
Rồi bà con cũng chịu hợp tác. Hợp đồng thu mua rau má với giá ổn định suốt năm được ký với điều khoản đảm bảo không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch. "Nguyên liệu đầu vào ổn rồi, mình quyết định "cắm" đất, nhà, cả nhà của ba mẹ để có vốn mua sắm máy móc khá lớn nhưng tin con đường mình đi đúng" - Bắc cười.
Các bạn trong nhóm khởi nghiệp tích cực tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm đến người dùng - Ảnh: Q.L |
Nghĩ về bột rau thương hiệu Việt
Sau khi thu hoạch, rau được rửa sạch rồi qua công đoạn sấy lạnh tiệt trùng. Tùy loại rau mà thời gian sấy dao động từ 24 - 36 tiếng trước khi được nghiền thành bột.
"Là một trong những đơn vị đi đầu ở công nghệ sấy lạnh giúp bảo quản nông sản gần như nguyên vẹn hương vị so với nông sản tươi, dự án của các bạn có lợi thế và khác biệt khi ra thị trường" - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM Nguyễn Thị Diệu Hằng chia sẻ.
Những mẻ bột rau má đầu tiên chào đời, họ hồi hộp chờ tín hiệu từ thị trường dù thời điểm ấy và hiện nay hầu như chưa có thương hiệu nào chuyên về bột rau má. Hồng Bắc cho biết mỗi tuần đều lấy mẫu các loại rau đem kiểm nghiệm để đảm bảo không dùng bất kỳ loại thuốc hay hóa chất nào.
"Cho đến lúc này, khoảng hai năm chào bán sản phẩm ra thị trường, tụi mình có thể tự tin về chất lượng, độ sạch của sản phẩm như cam kết ban đầu" - Trà nói.
Bột rau má vẫn là chủ lực song hiện các bạn ra mắt thêm bốn loại bột khác là trà xanh và ba loại rau khác: diếp cá, chùm ngây, tía tô. Với mỗi gói 100gram, nếu pha với nồng độ bình thường có thể được 50 ly loại 200ml nước, uống với đường, sữa đặc đều được. Ngoài ra còn có thể dùng làm dung dịch đắp mặt nạ dưỡng da, liền sẹo.
Nguyễn Hồng Bắc và Nguyễn Thị Kông Trà đã thành lập doanh nghiệp, chọn tên cho sản phẩm là Quảng Thanh với suy nghĩ được quảng bá đến nhiều người dùng những sản phẩm giúp giải khát, thanh mát cơ thể.
"Toàn những loại rau là vị thuốc mà không phải ai cũng biết, tụi mình mơ xa hơn về bột rau thương hiệu Việt. Ngoài sản phẩm đóng gói hiện có, tụi mình sẽ ra mắt sản phẩm hòa tan uống liền sớm thôi" - Hồng Bắc cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, trung tâm đã hỗ trợ một khoản vay và sắp tới giúp các bạn tham gia Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - SpeedUp của TP.HCM để có cơ hội tìm thêm nguồn đầu tư, giúp dự án phát triển hơn nữa.
Theo Tuổi Trẻ
Đăng nhận xét