Những sĩ tử 'làm ngày ôn đêm'
Ban ngày bận đi làm, ban đêm nhiều học viên của các trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tại TPHCM lại tất tả tới lớp ôn tập tới gần 22 giờ. Dù có phần vất vả, nhưng họ đều nỗ lực gấp bội để chuẩn bị tốt nhất trước Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Nỗ lực để có tấm bằng tốt nghiệp…
Từ 18 giờ tối, gần 40 học viên lớp 12 khối vừa học vừa làm của TTGDTX quận Bình Thạnh đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho buổi ôn tập. Sau khi thi học kỳ 2, nhà trường đã bố trí lịch ôn tập cho học viên lớp 12 từ thứ 2 đến Chủ nhật, bắt đầu từ 18 giờ cho tới 21 giờ 45 phút, riêng ngày Chủ nhật học buổi sáng để tăng tốc giúp các em hệ thống lại kiến thức đã học.
Trường có hơn 100 học viên và có khoảng 50% em đăng kí xét tuyển vào ĐH, CĐ, còn lại các em chỉ thi để xét tốt nghiệp.
Vừa xong công việc, chạy vội về nhà lo cơm nước, chị Phan Thị Kim Chi (sinh năm 1977, tại TPHCM) đã có mặt tại trung tâm để ôn tập giờ Ngữ văn. Chị cho hay, chị hiện là lao công cho một bệnh viện trên địa bàn quận Bình Thạnh, ban ngày đi làm khá vất vả nhưng chị gần như không nghỉ buổi học nào. Nói về việc đăng kí học tại lớp vừa học vừa làm của trung tâm, chị trải lòng: “Trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ tôi mất sớm phải vất vả mưu sinh nên học hết lớp 9, tôi phải làm đủ nghề để kiếm sống. Nay mọi thứ khá hơn một chút, tôi đăng kí đi học lại”.
Sau khi lập gia đình, cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn, chị quyết tâm theo đuổi việc học và mong muốn có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. “Chồng con đều động viên tôi đi học nên tôi cũng rất cố gắng. Nghỉ học cũng đã lâu nên mọi thứ ban đầu rất khó khăn, nhưng dần dần cũng quen. Thời gian này ôn tập để thi THPT quốc gia cũng khá căng thẳng. Vì tôi cũng lớn tuổi rồi, phải ôn đi ôn lại, đọc đi đọc lại mới nhớ kĩ được, nhưng phải cố thôi”, chị Kim Chi chia sẻ.
Được biết chị chỉ đăng kí xét tốt nghiệp THPT quốc gia và chọn bài thi tự chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Chị lý giải: “Do nghỉ học cũng lâu rồi, nên tôi nghĩ mình chọn các môn Xã hội sẽ dễ “nạp” kiến thức hơn. Bên Tự nhiên có quá nhiều công thức, tính toán nên rất khó…”.
Cũng giống như chị Kim Chi, người bạn cùng lớp - anh Lê Tiến Dũng (sinh năm 1978) mong muốn sẽ ôn tập tốt để có được tấm bằng tốt nghiệp THPT để hoàn thiện hồ sơ cho công việc của mình. 15 năm qua, anh Dũng làm công việc điều tiết giao thông trên địa bàn quận Bình Thạnh, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM.
Vừa đi làm, tối lại tới trung tâm học nên thời gian có phần eo hẹp và khá vất vả, anh Dũng, chị Kim Chi cũng chỉ tranh thủ học ngay tại lớp, hiểu ngay tại lớp. “Thời gian ôn tập khá eo hẹp, vì ban ngày mình phải đi làm, người thì bận cơm nước, chợ búa và thỉnh thoảng có việc này việc kia, người thì chở con đi học, người thì trông con nhỏ nên chủ yếu học tại lớp, chỗ nào không hiểu thì hỏi ngay thầy cô để giải đáp. Thời điểm này thầy cô cũng ôn theo chủ đề các môn và ôn lại kiến thức lớp 11 cho chúng tôi”, anh Dũng cho hay.
Nuôi ước mơ tới giảng đường ĐH
Sau khi học hết lớp 9, chàng trai sinh năm 1993 - Huỳnh Thiên Phú rời quê hương Ninh Thuận vào Sài Gòn mưu sinh. Hiện tại Phú đang làm công việc giao hàng vào ban ngày, ban đêm tham gia học tại trung tâm.
Thỉnh thoảng tăng ca kiếm thêm thu nhập, Phú xin học bù vào Chủ nhật để không bị lỡ phần kiến thức mà thầy cô ôn tập. Thiên Phú đăng kí bài thi tự chọn là tổ hợp Khoa học tự nhiên và đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM. Phú cho biết, công việc của Phú khá vất vả, thu nhập thấp nếu có tấm bằng tốt nghiệp THPT hoặc có thể đỗ vào ĐH, CĐ thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn hiện tại. Nói về mơ ước của mình, Phú chia sẻ, rất thích về điện tử viễn thông nên đã đăng kí ngành này và hi vọng có thể đặt chân tới giảng đường ĐH trong tương lai.
Cũng giống như Phú, bạn Trương Văn Hồ, quê ở Cần Thơ, hiện đang là học viên của lớp vừa học vừa làm tại TTGDTX quận 1. Chàng trai sinh năm 1995 cho hay, do điều kiện không cho phép nên hết lớp 9 cậu nghỉ học lên Sài Gòn tìm việc làm, hiện Hồ vừa học nấu ăn, vừa làm cho một quán ăn khá lớn tại địa bàn. Nhận thấy việc học là không bao giờ muộn, Hồ đã đăng kí học tại trung tâm để tiếp tục việc học văn hóa của mình. Hồ cũng bật mí, bạn có đăng kí xét tuyển ĐH vào Trường Công nghiệp Thực phẩm để có thể theo đuổi ước mơ liên quan đến ẩm thực của mình.
Hồ cho hay: “Hiện tại, các giáo viên vừa củng cố kiến thức, vừa ôn tập lại chương trình lớp 11 cho chúng tôi. Các thầy cô rất nhiệt tình và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng tôi. Ví dụ, nếu buổi tối nào do tăng ca không đến ôn tập được, thì buổi sáng các ngày trong tuần chúng tôi nếu có thời gian sẽ tới ôn tập bù. Chúng tôi cũng được thầy cô hướng dẫn làm một số bộ đề để làm quen”.
Nói về việc ôn tập của các học viên, cô giáo Trần Thị Tuyết, giáo viên Ngữ văn của TTGDTX quận Bình Thạnh cho biết: “Các em đa số lớn tuổi, nhiều em nghỉ học lâu, nay đi học lại dĩ nhiên ôn tập sẽ vất vả hơn. Ban ngày đi làm, có nhiều em tăng ca, đến lớp trễ, có em thì đang nuôi con nhỏ nên trung tâm và giáo viên chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để làm sao cho các em hệ thống lại được kiến thức căn bản trước, rồi sẽ đưa ra một số bộ đề cho các em làm thử và cùng các em giải quyết”.
Theo cô Tuyết, hiện tại cô vừa ôn tập chương trình lớp 11, song song ôn tập cho các em về phần so sánh, liên hệ các tác phẩm văn học với nhau. Ngoài ra, cô cũng rất chú trọng ôn tập phần Đọc hiểu để các em dễ ghi điểm ở phần này.
Theo Giáo Dục & Thời Đại
Đăng nhận xét